Chế độ tập luyện cho người bệnh gút: Những điều lưu ý không thể bỏ qua

Gút là một tình trạng viêm đau khớp, xảy ra khi cơ thể tăng acid uric dẫn đến tích tụ tinh thể muối urat trong xương khớp. Người mắc gút có nên tập luyện thể dục thể thao không? Chế độ tập luyện cho người bệnh gút như thế nào để giảm bớt cơn đau nhức? Nội dung bài viết dưới đây sẽ giúp bạn làm rõ điều này.

Đau nhức khớp xương dữ dội do gút

Gút thuộc nhóm bệnh viêm khớp phát sinh khi nồng độ acid uric trong cơ thể tăng cao. Acid uric là hoạt chất tự nhiên xuất hiện trong cơ thể, thường được đào thải qua đường tiểu. Tuy nhiên, khi chế độ ăn uống không khoa học hoặc thận không đào thải tốt sẽ khiến lượng acid uric tồn đọng trong cơ thể quá lớn làm hình thành các tinh thể muối urat tích tụ trong các khớp. Lâu ngày sẽ gây đau đớn, đỏ, sưng ở các khu vực như khớp, gân, và các mô xung quanh. Người bệnh thường bị đau dữ dội dẫn đến hạn chế vận động.

Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh gút có thể gây ra các cơn đau mạn tính và hình thành cục Tophi gây biến dạng khớp. Đây là tổn thương không thể phục hồi.

Chế độ tập luyện cho người bệnh gút

Khớp bàn tay biến dạng do bệnh gout

Người bị gút có nên tập thể dục thể thao?

Theo nghiên cứu, việc thực hiện hoạt động thể chất ở cường độ thấp đến trung bình cùng việc điều chỉnh chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nồng độ acid uric và giảm triệu chứng của bệnh gút. Tuy nhiên, nếu người bệnh đang trong cơn gout cấp tính cường độ đau dữ dội thì không nên thực hiện tập thể dục. Trong giai đoạn cơn gout cấp tính, nghỉ ngơi, chườm đá tại chỗ, và nâng chân cao để giảm bớt cơn đau. Tập thể dục chỉ nên thực hiện sau khi cơn đau cấp tính qua đi.

Người mắc gút tập thể dục thể thao đúng cách giúp:

- Giảm nồng độ acid uric trong máu: Acid uric có thể được bài tiết qua mồ hôi. Vì vậy, các hoạt động thể dục thể thao rất tốt để giảm acid uric trong máu. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tập thể dục đều đặn có thể kéo dài tuổi thọ thêm 4 - 6 năm ở những người có chỉ số acid uric cao. Tập thể dục còn giúp giảm cân, ngăn chặn thừa cân béo phì và giảm bớt nguy cơ tái phát cơn gút cấp.

- Khôi phục hoạt động của khớp: Cơn đau gout làm giảm sự linh hoạt của khớp, làm khớp cứng lại. Chế độ tập luyện đúng cách sẽ hỗ trợ khôi phục khả năng vận động sau khi cơn gout bùng phát. Ngoài ra, người mắc bệnh gút thường xuyên tập thể dục ít có khả năng phát triển cục tophi do tình trạng tích tụ tinh thể acid uric.

Chế độ tập luyện cho người bệnh gút

Tập thể dục giúp tăng cường đào thải acid uric, rất tốt cho người bị gút

Gợi ý chế độ tập luyện cho người bệnh gút

Các hoạt động như đi bộ, đạp xe, và bơi lội được xem xét là những bộ môn phù hợp với người bệnh gút. Những môn thể thao đòi hỏi cường độ cao như: Chạy nước rút, nhảy dây, và đạp xe nhanh,… không nên thực hiện.

Nếu đã trải qua nhiều cơn gout cấp tính, có khả năng người bệnh sẽ phải đối mặt với những thay đổi vĩnh viễn ở khớp, giới hạn phạm vi chuyển động. Do đó, các hoạt động như bơi lội và thể dục nhịp điệu dưới nước, liên quan đến sức nổi, có thể giảm căng thẳng đối với khớp.

Ngoài ra, các bài tập linh hoạt tổng thể cũng có thể đóng góp vào quá trình này.  Bộ môn yoga được xem là có lợi cho việc duy trì và cải thiện khả năng vận động của cơ thể rất tốt.

Chế độ tập luyện cho người bệnh gút

Một số bài tập nhẹ nhàng cho người bị gút

Lưu ý khi tập thể dục cho người bệnh gút

Người bệnh gout cần bắt đầu chế độ tập thể dục đúng cách và đều đặn. Theo các chuyên gia, bạn nên thực hiện mỗi ngày khoảng 15 – 30 phút tập luyện là đủ.

Ngoài ra, người bệnh cũng nên duy trì uống đủ nước mỗi ngày kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, giảm thực phẩm giàu purin (thịt bò, thịt chó, hải sản) để giảm tối đa acid uric trong máu.

Trên đây là gợi ý chế độ tập luyện cho người bệnh gút theo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh nên tập thường xuyên, đều đặn các bộ môn cường độ nhẹ để tăng cường đào thải acid uric và hạn chế các cơn đau gút cấp.

ĐĂNG KÝ GẶP DƯỢC SỸ
Bài đọc nhiều nhất