Mổ u cục gút và những biến chứng nguy hiểm cần cảnh giác

Mổ u cục gút là phương pháp phẫu thuật hỗ trợ điều trị bệnh gút. Phương pháp này chỉ áp dụng cho những trường hợp bệnh nhân đã ở biến chứng nặng và không có hiệu quả với các biện pháp khác. Tuy nhiên, mổ u cục gút cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Để hiểu rõ hơn về phương pháp mổ u cục gút, quy trình và những lưu ý, bạn hãy theo dõi ngay nội dung bài viết dưới đây.

U cục gút – Hạt Tophi là gì?

U cục nổi ở khớp được gọi là hạt Tophi. Đây là những khối u hình thành từ tinh thể muối urat tích tụ tại các cơ quan trong cơ thể. Hiện tượng này thường xuất hiện khi nồng độ acid uric trong máu tăng cao trong thời gian dài, gây tích tụ muối urat tại khớp, thận, mạch máu,…

Tophi thường là những cục u cứng, nằm dưới da và có màu trắng đục. Dù ban đầu chúng có thể nhỏ, nhưng sẽ phát triển nếu không được điều trị. Khi tophi phát triển, chúng không chỉ gây ra đau đớn và hạn chế vận động của khớp mà còn gây tổn thương da và mô, đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Ngoài ra, nếu nồng độ acid uric vẫn tiếp tục tăng cao do nhiều nguyên nhân như chế độ dinh dưỡng, sử dụng thuốc không đúng cách, hoặc các vấn đề về sức khỏe khác như bệnh gan, thận, thì tophi có thể phình to và gây biến dạng khớp, phá hủy sụn khớp và gây đau nhức. Khi hạt Tophi bị vỡ, acid uric được hòa tan và tiếp tục gây ra các cơn đau gout cấp. Sự tăng cao không kiểm soát của acid uric cũng có thể gây ra các biến chứng nặng nề như suy thận, sỏi thận và các vấn đề tim mạch.

Mổ u cục gút

Hạt Tophi hình thành ở khớp ngón tay, ngón chân, vành tai, thận,...

Mổ u cục gút – Phẫu thuật hạt Tophi được chỉ định cho trường hợp nào?

Hạt Tophi chủ yếu được tìm thấy ở những bệnh nhân mắc bệnh gút mạn tính. Tính hình thành và tốc độ phát triển của tophi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng tăng acid uric trong máu, không có ngưỡng chính xác nào để dự đoán sự xuất hiện của Tophi. Thời gian từ khi cơn gút cấp đầu tiên xảy ra cho đến khi trở thành mạn tính thường khoảng 10-20 năm. Thông thường, hạt Tophi không gây đau đớn và có thể thu nhỏ lại khi sử dụng thuốc, nhưng phẫu thuật có thể cần thiết nếu bệnh trở nặng và gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

- Hạt Tophi gây biến dạng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chức năng của gân và khớp.

- Hạt Tophi bị vỡ loét và hoại tử.

- Hạt Tophi gây chèn ép dây thần kinh nghiêm trọng.

- Xảy ra nhiễm trùng máu hoặc nhiễm trùng cục bộ do hạt Tophi.

- Cơn đau liên tục, dữ dội diễn ra tại vị trí của hạt Tophi.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể lựa chọn phẫu thuật loại bỏ Tophi khi điều trị thuốc không hiệu quả hoặc phẫu thuật để tăng thẩm mỹ. Mổ u cục gút là phương pháp hỗ trợ hiện đại nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng đáng ngại đối với sức khỏe của người bệnh, bao gồm chức năng xương khớp và khả năng vận động. Đối với những người bệnh gout có các bệnh lý kèm theo như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, suy giảm chức năng thận, và gan, phẫu thuật cũng có thể được khuyến khích để loại bỏ Tophi sớm.

Mổ u cục gút

Mổ u cục gút chỉ nên áp dụng cho những trường hợp hạt Tophi biến chứng, lở loét, hoại tử, tàn phế khớp

Cảnh giác biến chứng mổ hạt Tophi

Phẫu thuật mổ u cục gút sẽ được tiến hành trực tiếp tại vị trí của Tophi. Quá trình này được tiến hành bao gồm các bước: Thăm khám, gây mê, loại bỏ phần nhân của u cục, làm sạch u cục, khâu kín vết thương.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân gút cần phải được chăm sóc cẩn thận do nguy cơ nhiễm trùng cao. Khi thay băng cho vết thương lần đầu tiên, người bệnh cần chú ý đến dấu hiệu máu bầm và dịch ứ ở vùng mổ. Nếu có dấu hiệu này, người bệnh cần phải đến cơ sở y tế để thực hiện mở rộng vết mổ, đưa dịch thoát ra ngoài. Nếu vết mổ ổn định, bác sĩ có thể thực hiện cắt chỉ sau khoảng 10 ngày, nhưng với các trường hợp vết mổ chưa ổn định, hoặc vùng bị đè hoặc tophi bị vỡ, thời gian lành vết sẽ kéo dài hơn.

Tuy nhiên, phẫu thuật mổ u cục gút thường ít được thực hiện do biến chứng sau mổ có nguy cơ nhiễm trùng cao, thời gian để vết thương lành thường lâu. Sau khi phẫu thuật, người bệnh cần phải kiêng cữ và có biện pháp chăm sóc đúng cách.

Đặc biệt, chi phí phẫu thuật thường đắt đỏ. Ngoài ra, mổ u cục chỉ là phương pháp giải quyết tạm thời và không dứt điểm được nguyên nhân gây ra gút. Hạt Tophi vẫn có thể tái phát nếu acid uric vẫn tích tụ trong máu, do vậy bệnh nhân bắt buộc phải tiếp tục điều trị gút sau khi phẫu thuật.

Trên đây là những thông tin giúp bạn tìm hiểu về phương pháp mổ u cục gút. Dù áp dụng bất cứ biện pháp nào, người bệnh cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, kết hợp ăn uống lành mạnh, cắt giảm thực phẩm giàu purin, thịt đỏ, hải sản, không uống rượu bia, bổ sung rau xanh, hoa quả để giảm acid uric máu, phòng ngừa bệnh gút tái phát.

ĐĂNG KÝ GẶP DƯỢC SỸ
Bài đọc nhiều nhất