Hạt Tophi: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị mới nhất hiện nay

Người bị mắc bệnh gút kéo dài có thể xuất hiện một hoặc nhiều nốt tophi xung quanh các khớp bị ảnh hưởng. Sự xuất hiện hạt Tophi không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn có nguy cơ gây biến dạng cho khớp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động. Làm thế nào để ngăn chặn biến chứng hạt Tophi ở người bệnh gút? Nội dung bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về điều này.

Tìm hiểu hạt Tophi là gì?

Hạt tophi là sự tập hợp của các tinh thể muối urat đã kết tủa trong mô kiên kết và tích tụ qua nhiều năm, tạo thành cặn ở khớp xương. Hạt Tophi tương tự như những đám mụn nhỏ, căng tròn và phát triển ngay dưới da ở các vùng xung quanh khớp xương.

Sự xuất hiện của các đám mụn Tophi dưới da được coi là biến chứng của bệnh gút, thường xuất hiện ở khoảng 12-35% trường hợp bệnh nhân. Nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ hạt Tophi phát triển to về kích cỡ và gây biến dạng khớp là rất cao. Thậm chí có nhiều trường hợp hạt Tophi còn vỡ ra, gây nhiễm trùng huyết, nguy hiểm đến tính mạng.  

Hạt Tophi

Hình ảnh hạt Tophi ở tay của bệnh nhân gút

Nguyên nhân hình thành hạt Tophi

Ước tính khoảng 66% acid uric trong cơ thể được tổng hợp tự nhiên, trong khi phần còn lại là sản phẩm của quá trình phân giải purine, mà nguồn gốc chủ yếu từ thực phẩm giàu đạm, đặc biệt là protein. Thận là cơ quan chịu trách nhiệm điều chỉnh nồng độ acid uric bằng cách loại bỏ chất này khỏi máu qua quá trình thải độc. Nếu thận hoạt động kém không thể đào thải acid uric hoặc cơ thể sản xuất quá mức sẽ dẫn đến tình trạng tăng acid uric trong máu.

Trong tình trạng này, một phần acid uric sẽ rời khỏi máu và bắt đầu kết tinh thành các tinh thể sắc nhọn tại các khớp và mô mềm xung quanh, đồng thời tạo ra tình trạng viêm nhiễm. Số lượng tinh thể này ngày càng tăng và dẫn đến hình thành các hạt Tophi. Do đó, Tophi không xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu của bệnh gút mà chúng phát triển khi gút mãn tính.

Hạt Tophi

Hạt Tophi là biến chứng của bệnh gút mãn tính

Hạt Tophi thường xuất hiện ở vị trí nào?

Các hạt Tophi có khả năng xuất hiện ở tất cả các khớp, nhưng thường thấy nhiều nhất ở khớp bàn chân, đầu gối, cổ tay, ngón tay, gân gót chân và tai. Hạt Tophi cũng có thể gặp ở gân liên kết khớp và cơ, sụn quanh khớp, màng hoạt dịch, dây chằng hoặc mô mỡ, túi hoạt dịch. Đôi khi hạt Tophi cũng có thể phát triển trong các mô liên kết ngoài khớp, như củng mạc, tháp thận và van tim.

Hạt Tophi

Hạt Tophi có thể hình thành ở vành tai

Dấu hiệu nhận biết hạt Tophi

Các hạt Tophi có hình dạng tròn hoặc ovan, có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc thành một cụm nhiều hạt và nhìn thấy rõ dưới da. Kích thước của hạt Tophi có thể thay đổi từ 0,5mm cho đến 10cm. Bên trong hạt Tophi thường chứa dịch lỏng, đặc hoặc tinh thể rắn của acid uric. Màu trắng nhạt của tinh thể urat trong nốt Tophi có thể nhìn thấy qua lớp da. Trạng thái của hạt Tophi có thể ở dạng viêm nhiễm (da nóng, đỏ) hoặc phát ra chất nhão và trắng như phấn, thậm chí có thể rỉ dịch vàng. Mặc dù hạt Tophi không gây đau trực tiếp nhưng người bệnh vẫn có thể cảm nhận sự khó chịu do khớp bị sưng hoặc bị tổn thương, da căng lên.

Ngoài ra, cơn gút cấp đi kèm với hạt Tophi sẽ gây nên các triệu chứng:

- Sưng đau, sờ thấy nóng ở xung quanh khớp và hạt Tophi.

- Gặp khó khăn khi vận động khớp.

Hạt Tophi có nguy hiểm không?

Nếu không được điều trị kịp thời, các hạt Tophi dưới da có thể phát triển nhanh về kích cỡ. Lâu ngày sẽ gây:

- Nhiễm trùng, lở loét, đặc biệt khi nốt Tophi bị vỡ.

- Chèn ép dây thần kinh, tạo ra cảm giác đau và tê yếu.

- Phá hủy lớp sụn và gây xói mòn đầu xương.

- Tổn thương hoặc thậm chí biến dạng khớp, có thể dẫn đến tình trạng tàn phế.

- Hình thành sỏi thận.

- Suy giảm chức năng thận.

Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị gút triệt để. Vì vậy, những người bị bệnh nên duy trì lối sống và ăn uống lành mạnh để ngăn ngừa biến chứng hạt Tophi.

Hạt Tophi

Hạt Tophi vỡ ra tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết

Chẩn đoán và điều trị hạt Tophi do gút

1. Phương pháp chẩn đoán hạt Tophi

Các bác sĩ có thể dễ dàng nhận biết các đám tophi và biến dạng của khớp bị ảnh hưởng thông qua các kỹ thuật kiểm tra lâm sàng. Mặc dù vậy, để đánh giá kích thước và mức độ tổn thương của xương và sụn khớp, các bệnh nhân cũng cần thực hiện chụp CT hoặc MRI. Ngoài ra, để đánh giá thành phần bên trong của các đám Tophi, bác sĩ có thể kết hợp phân tích dưới kính hiển vi. Quá trình này giúp bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả và phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.

2. Phương pháp điều trị hạt Tophi

Điều trị hạt Tophi là một phần quan trọng trong kế hoạch chăm sóc bệnh gút. Đối với những hạt Tophi có kích thước nhỏ, mức độ không gây đau hoặc không gây hạn chế vận động, việc phẫu thuật cắt bỏ thường không cần thiết. Thay vào đó, bác sĩ có thể lựa chọn các phương pháp điều trị như sau:

- Dùng thuốc điều trị: Mục tiêu chính là giảm lượng acid uric trong máu xuống dưới mức 5 mg/dL hoặc thấp hơn để tan hạt Tophi. Các loại thuốc điều trị gút thường được kê đơn, bao gồm nhóm thuốc ức chế tổng hợp acid uric (như allopurinol, febuxostat) và Pegloticase, có tác dụng xúc tác quá trình chuyển hóa acid uric thành allantoin, dễ tan và đào thải. Các loại thuốc khác như Colchicine, NSAIDs, thuốc ức chế interleukin-1, và corticosteroid cũng có thể được kê đơn để kiểm soát đợt cấp của bệnh gút.

- Thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày: Xây dựng lối sống lành mạnh và khoa học không chỉ giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh gút, ngăn ngừa hình thành hạt Tophi mà còn giảm thiểu nguy cơ hình thành gút cấp. Người bệnh nên duy trì thói quen uống đủ nước để hỗ trợ đào thải acid uric, tránh thực phẩm chứa đường hoặc nhiều purin, hạn chế hoặc tránh thức uống chứa cồn và đường, cũng như rèn luyện thể chất với bài tập cường độ thấp.

- Phương pháp phẫu thuật: Mặc dù bác sĩ thường hạn chế giải pháp này vì các rủi ro có thể đi kèm, nhưng nó có thể là lựa chọn duy nhất trong các tình huống như: Số lượng tophi nhiều và kích thước lớn, hạt Tophi vỡ ra, lở loét, gây biến dạng khớp, hạn chế vận động.

Hạt Tophi

Phẫu thuật cắt hạt Tophi chỉ áp dụng cho những trường hợp gây biến dạng khớp nặng

Chế độ chăm sóc cho người bị gút có biến chứng hạt Tophi

Nếu bệnh nhân có biểu hiện phát triển hạt Tophi nên chú ý:

- Giữ gìn vệ sinh khu vực có hạt Tophi luôn sạch sẽ.

- Không tự ý chọc hoặc làm vỡ các hạt Tophi.

- Trong trường hợp nốt tophi bị vỡ, người chăm sóc cần thực hiện sát trùng vết thương và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế hoặc trung tâm y tế gần nhất để nhận được sự xử lý hiệu quả.

Hạt Tophi là biến chứng nguy hiểm của bệnh gút, có thể gây biến dạng khớp, giảm khả năng vận động. Khi mắc gút, người bệnh nên tuân thủ phác đồ điều trị kết hợp với thay đổi lối sống lành mạnh để kiểm soát bệnh tốt, từ đó giảm thiểu sự nặng nề của bệnh và nguy cơ hình thành hạt tophi, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày.

ĐĂNG KÝ GẶP DƯỢC SỸ
Bài đọc nhiều nhất