Đau gót chân do bệnh gout phải làm sao? Hướng dẫn cách đơn giản đẩy lùi cơn gout cấp

Bệnh gout là bệnh lý viêm khớp xảy ra do sự tăng cao của axit uric trong máu. Các khớp nhỏ thường bị ảnh hưởng, như ngón chân hay ngón tay. Tuy nhiên, khi bệnh gout tiến triển cũng có thể gây đau gót chân. Trong bài viết này, bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp bạn tìm hiểu các biểu hiện bệnh gout và cách điều trị đau gót chân do bệnh gout gây nên.

Bệnh gout là gì? Bệnh gout có gây đau gót chân không?

Bệnh gout xảy ra khi các hạt tinh thể muối urat hình thành và lắng đọng trong khớp xương. Cơ chế gây nên gout bắt nguồn từ việc phân hủy purin thành acid uric. Khi lượng acid uric này tích tụ quá nhiều sẽ tạo nên các tinh thể muối urat với kích cỡ siêu nhỏ tại khớp dẫn đến đau khớp.

Cơn đau gót chân do bệnh gout thường xuất hiện đột ngột hoặc sau khi tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu purin như thịt bò, hải sản, uống nhiều rượu bia. Các triệu chứng khác có thể bao gồm sưng tấy, bong tróc da ở vùng gót chân cùng với cảm giác nóng hoặc ấm khớp xương.

Bệnh gout ở gót chân gây ra các triệu chứng:

- Đỏ, sưng và đau ở vùng gót chân tiếp xúc với giày, có thể ảnh hưởng đến gốc ngón chân cái.

- Các triệu chứng thường trở nên trầm trọng vào ban đêm (khi nồng độ axit uric tăng và cơ thể lạnh đi trong giai đoạn này), dẫn đến đau gót chân khi thức dậy vào buổi sáng.

- Trong các cơn gout cấp tính, người bệnh có thể cảm thấy da nóng và đau khi tiếp xúc, thậm chí việc đeo tất cũng có thể gây ra cảm giác đau rát.

- Cơn đau thường được giảm nhẹ sau một thời gian, nhưng vẫn cảm nhận được sự ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

- Khó khăn trong việc cử động gót chân và cổ chân cũng có thể xuất hiện.

Đau gót chân do bệnh gout phải làm sao?

Đau gót chân gây cản trở vận động, ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động của người bệnh

Nguyên nhân bệnh gout gây đau gót chân dữ dội?

Dưới đây là một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng đau gót chân và đau các khớp tay, chân do gout:

- Chế độ ăn uống: Người tiêu thụ nhiều thịt đỏ, đường (đặc biệt là fructose), và rượu (đặc biệt là bia) có thể gây tăng axit uric trong máu và phát triển bệnh Gout.

- Tăng lượng chất béo trong cơ thể: Khi cơ thể tích trữ chất béo, nồng độ axit uric có thể tăng, gây quá tải cho thận, dẫn đến tích tụ axit uric và phát triển bệnh gout.

- Sử dụng một số loại thuốc: Một số thuốc, như thuốc tăng huyết áp, có thể làm tăng lượng axit uric trong cơ thể. Cụ thể, nhóm thuốc lợi tiểu Thiazide (được sử dụng để điều trị tăng huyết áp) được xác định là nguyên nhân chính gây ra đau gót chân do bệnh gout.

- Các vấn đề y tế không được điều trị: Huyết áp cao, hội chứng chuyển hóa, bệnh tiểu đường và bệnh thận có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể, gây ra các triệu chứng của bệnh gout.

- Di truyền và giới tính: Bệnh gout có yếu tố di truyền. Nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh gout, nguy cơ mắc bệnh của cá nhân cũng cao hơn. Nam giới trẻ thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn phụ nữ, tuy nhiên, sau khi mãn kinh, phụ nữ thường có nguy cơ cao hơn nam giới cùng độ tuổi.

Bệnh gout gây ra đau gót chân, tuy nhiên, cũng có một số tình trạng khác như viêm gan chân, viêm gân gót hoặc viêm khớp dạng thấp có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Do đó, quan trọng là phải xác định các nguyên nhân cơ bản để áp dụng biện pháp điều trị phù hợp.

Đau gót chân do bệnh gout phải làm sao?

Những nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh gout

Phương pháp chẩn đoán đau gót chân do bệnh gout

Trên thực tế, khi gặp phải đau gót chân, người bệnh thường gặp khó khăn trong việc nhận biết liệu đó có phải là dấu hiệu của bệnh gout hay không, vì nó cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý phổ biến khác như viêm cân gan chân, gai xương gót, viêm gân Achilles, hoặc viêm bao hoạt dịch. Khi tham khảo ý kiến của bác sĩ, bạn có thể được đề xuất thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán như sau:

Xét nghiệm máu: Xác định chỉ số axit uric và creatinin trong máu. Nồng độ axit uric bình thường là dưới 7mg/dl cho nam và dưới 6mg/dl cho nữ. Tuy nhiên, xét nghiệm này có thể cho kết quả không chính xác vì một số người mắc bệnh gout có nồng độ axit uric không cao, và ngược lại, một số người có nồng độ cao không phải lúc nào cũng có triệu chứng bệnh. Do đó, các biện pháp khác cần được thực hiện để chẩn đoán chính xác.

- Siêu âm: Sử dụng siêu âm để phát hiện tinh thể urat, thường xuất hiện trên bề mặt sụn và các hạt tophi. Phương pháp này đang được sử dụng phổ biến ở Châu Âu và Hoa Kỳ.

- Xét nghiệm dịch khớp: Bác sĩ thực hiện tiêm thuốc tê vào vùng bị sưng đỏ, sau đó lấy mẫu dịch khớp để kiểm tra dưới kính hiển vi. Sự hiện diện của tinh thể urat trong dịch khớp chỉ ra người bệnh bị gout.

- Chụp X quang: Được sử dụng để loại bỏ các bệnh lý khác và theo dõi tình trạng xương khớp trong quá trình điều trị.

Đau gót chân do bệnh gout phải làm sao?

Siêu âm, xét nghiệm máu, chụp X - quang là phương pháp hàng đầu để phát hiện tinh thể urat trong khớp

Điều trị đau gót chân do bệnh gout như thế nào?

Hiện không có phương pháp điều trị hoàn toàn loại bỏ bệnh gout, tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để điều trị để giảm bớt các cơn gout cấp và kiểm soát đau ở gót chân như:

- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không kê đơn (OTC) như naproxen sodium hoặc ibuprofen. Trong trường hợp không có hiệu quả, bác sĩ có thể kê toa các loại NSAID mạnh hơn như celecoxib hoặc indomethacin.

- Colchicine là một loại thuốc kê đơn thường được sử dụng để điều trị bệnh gout ở gót chân. Tuy nhiên, thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa, đặc biệt khi sử dụng trong liều lượng cao.

- Corticosteroid được sử dụng khi NSAID và Colchicine không hiệu quả. Thuốc này thường được kê toa dưới dạng viên hoặc tiêm để kiểm soát đau và viêm. Việc sử dụng corticosteroid chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn và dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Ngoài việc sử dụng thuốc, bác sĩ có thể đề xuất bệnh nhân thay đổi lối sống để cải thiện tình trạng đau gót chân và ngăn ngừa cơn gout tái phát. Một số lưu ý về lối sống bao gồm:

- Hạn chế sử dụng thực phẩm tăng sản xuất axit uric như rượu, thịt đỏ, hải sản, và thực phẩm chứa nhiều purin.

- Tập thể dục và kiểm soát cân nặng để giảm áp lực lên gót chân và cải thiện sức khỏe tổng thể.

- Uống cà phê có thể giúp giảm nồng độ axit uric trong cơ thể.

- Bổ sung vitamin C trong chế độ ăn uống để giảm axit uric và ngăn ngừa cơn gout.

Trên đây là những thông tin tổng hợp giúp bạn hiểu rõ hơn tình trạng đau gót chân do bệnh gout. Mặc dù đau gót chân có thể là một dấu hiệu nguy hiểm, nhưng không nên hoảng sợ khi gặp phải tình trạng này. Bạn hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và nghe tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

ĐĂNG KÝ GẶP DƯỢC SỸ
Bài đọc nhiều nhất