Bệnh gút và biến chứng thận: Sỏi thận, viêm thận, suy thận mãn tính

Gút là căn bệnh hình thành do rối loạn chuyển hóa purin, dẫn đến tăng acid uric trong máu, gây hình thành tinh thể muối urat trong khớp, gây đau nhức xương khớp. Biến chứng về thận là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh gút. Nội dung bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về bệnh gút và cách điều trị để ngăn chặn biến chứng.

Vì sao bệnh gút gây tổn thương thận?

Người mắc bệnh gút có nồng độ acid uric dẫn đến sự kết tinh của tinh thể urat tại nhiều khớp trên cơ thể, trong đó có kẽ thận. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng lọc thận. Càng để lâu những tinh thể muối urat này gây sỏi urat ở thận và tăng nguy cơ suy thận.

Gút và bệnh thận có mối quan hệ 2 chiều. Bệnh gút có thể dẫn đến suy thận mạn. Người đang điều trị bệnh thận cũng có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn bình thường do thận đào thải acid uric kém.

Khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh gút như: Sưng, đau, nóng đỏ các khớp, người bệnh nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm khác.

Bệnh gút và biến chứng thận

Người mắc gút mãn tính có nguy cơ cao bị sỏi thận, viêm thận, suy thận

Tổng hợp các biến chứng về thận ở người bị gút

Biến chứng thận ở bệnh nhân gút bao gồm:

1. Sỏi thận

Sỏi thận thường xuất hiện ở bệnh nhân gút mạn tính. Biến chứng sỏi thận còn đi kèm với sự xuất hiện của tổn thương khớp và hạt Tophi trên cơ thể người bệnh. Sỏi do tinh thể urat tạo ra có đặc điểm không cản quang, làm cho việc sử dụng phim Xquang hệ tiết niệu ít hiệu quả. Trong trường hợp này, siêu âm và chụp cắt lớp vi tính thường được ưu tiên để chẩn đoán xác định có sỏi thận hay không.

Bệnh gút và biến chứng thận

Sỏi acid uric là biến chứng phổ biến của gút mãn tính

2. Viêm ống kẽ thận

Lắng đọng tinh thể urat tại mô kẽ của nhu mô thận gây ra tình trạng viêm ống kẽ thận. Bệnh nhân có thể phát hiện bệnh qua xét nghiệm với chỉ số Creatinin tăng cao và nồng độ acid uric máu vượt ngưỡng cho phép. Các triệu chứng khác như đi tiểu nhiều lần, tiểu đêm và toan hóa ống thận cũng là những dấu hiệu thường thấy ở bệnh nhân viêm ống kẽ thận mạn do gút.

Bệnh gút và biến chứng thận

Viêm ống kẽ thận khiến thận làm việc kém

3. Suy thận mạn tính

Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất ở thận của bệnh nhân gút. Sự suy giảm chức năng thận kéo dài gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như hội chứng urê máu cao, thiếu máu, suy thượng thận, tăng kali máu, toan chuyển hóa và nhiều vấn đề khác. Bệnh nhân cần thực hiện lọc máu để hỗ trợ trong giai đoạn đầu và sau đó chuyển sang các phương pháp thay thế như lọc màng bụng hoặc ghép thận. Mạch máu của bệnh nhân gút mãn tính thường nhỏ và xơ, làm cho việc tạo đường nối thông động tĩnh mạch (để lọc máu) trở nên khó khăn. Rất nhiều bệnh nhân gút có thể đối mặt với nguy cơ tử vong do các biến chứng nguy hiểm của suy thận.

Bệnh gút và biến chứng thận

Suy thận là biến chứng nguy hiểm nhất của gút mãn tính

Chẩn đoán biến chứng thận ở bệnh nhân gút mạn

Để chẩn đoán biến chứng thận ở bệnh nhân gút mạn được chẩn đoán qua các xét nghiệm như sau:

- Xét nghiệm máu: Chỉ số creatinin máu vượt quá ngưỡng bình thường, kèm theo nồng độ acid uric máu cao là dấu hiệu đáng chú ý cho việc chẩn đoán biến chứng thận ở bệnh nhân gút. Đa số bệnh nhân thường trải qua suy tuyến thượng thận do sử dụng corticoid để giảm đau mà không tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ.

- Xét nghiệm nước tiểu: Trong nước tiểu, có thể quan sát thấy mức độ protein niệu thấp (dưới 1 g/L), đi kèm với sự xuất hiện nhiều tinh thể urat. Sỏi urat có thể gây ra nhiễm trùng và tổn thương niêm mạc đường tiết niệu, thậm chí còn phát hiện hồng cầu và bạch cầu trong nước tiểu.

- Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm hệ tiết niệu đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sỏi urat. Vì sỏi urat không cản quang nên không thể được phát hiện trên phim Xquang hệ tiết niệu thông thường. Siêu âm cung cấp hình ảnh cơ bản về nhu mô thận, bờ viền, kích thước thận, giúp bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương thận. Chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu thường được sử dụng để xác định chính xác có sỏi hay không với độ chính xác lên đến 90%.

Để đảm bảo chẩn đoán chính xác nhất, bác sĩ có thể quyết định thực hiện sinh thiết thận để kiểm tra sự lắng đọng của tinh thể urat trong tổ chức mô kẽ thận. Đây được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán mức độ tổn thương thận.

Bệnh gút và biến chứng thận

Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán chức năng thận

Điều trị biến chứng bệnh thận ở người mắc gút mãn tính

Dưới đây là một số biện pháp điều trị biến chứng bệnh thận ở người mắc gút mãn tính:

- Ăn giảm đạm: Chế độ ăn cắt giảm lượng đạm không chỉ ảnh hưởng tích cực đến tiến triển của biến chứng thận mà còn có lợi cho sức khỏe tổng thể của bệnh nhân gút. Bác sĩ chuyên khoa khuyên bệnh nhân nên giảm tiêu thụ thực phẩm giàu protein, đặc biệt là từ thịt đỏ như thịt bò và hải sản. Người bệnh nên ăn thịt trắng (ức gà, cá sông) và chế biến bằng phương pháp luộc hoặc hấp sẽ tốt cho sức khỏe hơn.

- Uống nhiều nước: Việc duy trì lượng nước đủ hàng ngày giúp trung hòa acid uric và ngăn chặn sự hình thành của tinh thể urat. Người bệnh nên uống nước lọc hoặc nước khoáng có tính kiềm để tăng cường đào thải acid uric qua nước tiểu.

- Kiểm soát huyết áp: Điều trị bao gồm chế độ ăn giảm muối, tránh thực phẩm nên men hoặc có khói. Sử dụng thuốc điều trị huyết áp theo chỉ định của bác sĩ, trong đó một số loại như Losartan cũng có thể giúp giảm nồng độ acid uric máu.

- Sử dụng thuốc giảm đau theo đơn của bác sĩ: Mặc dù các thuốc giảm đau như NSAIDs được sử dụng trong điều trị gút, nhưng chú ý đến tác động phụ có thể gây tổn thương thận. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc mà bắt buộc phải tuân thủ theo chỉ định cụ thể của bác sĩ để tránh những hậu quả nguy hiểm.

- Khám sức khỏe định kỳ: Người bệnh gút mãn tính với biến chứng thận cần thực hiện tái khám định kỳ mỗi 1-2 tháng/lần để đánh giá và điều chỉnh phác đồ điều trị. Việc này giúp phát hiện sớm bất thường và kịp thời can thiệp khi có biến chứng nguy hiểm.

- Tuân thủ phác đồ điều trị: Bệnh nhân cần tích cực hợp tác với bác sĩ và tuân thủ đầy đủ điều trị để kiểm soát tốt biến chứng suy thận.

Biến chứng thận ở bệnh nhân mắc bệnh gút rất khó phát hiện thông qua triệu chứng lâm sàng. Vì vậy, người mắc gút nên có kế hoạch thăm khám định kỳ và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa để kiểm soát sớm biến chứng, tránh nguy hiểm.

ĐĂNG KÝ GẶP DƯỢC SỸ
Bài đọc nhiều nhất