Bệnh gút có nguy hiểm không? Có chữa dứt điểm được không?

Bệnh gút là căn bệnh gây viêm khớp với hiện tượng đau, sưng đỏ các khớp tay, chân. Nhiều bệnh nhân thắc mắc không biết bệnh gút có nguy hiểm không, có chữa được không? Bài viết dưới đây tổng hợp ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh phổ biến này.

Giải mã: Bệnh gút có nguy hiểm không?

Bệnh gút được xem là căn bệnh của thời đại và đang có xu hướng trẻ hóa về độ tuổi. Bệnh gút khiến người bệnh mệt mỏi với những cơn đau nhức dữ dội do nồng độ acid uric có trong máu tăng cao. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh gút còn làm tăng nguy cơ biến chứng:

-  Sỏi thận: Ước tính 20% bệnh nhân gút phải đối mặt với bệnh lý sỏi thận. Nguyên nhân là do các tinh thể urat và canxi tích tụ nhanh chóng dẫn đến hình thành sỏi. Sỏi thận làm suy giảm chức năng thận, tăng nguy cơ thận ứ nước, nhiễm trùng đường tiết niệu, ứ mủ thận.

-  Bệnh lý về tim mạch: Mức độ nặng của bệnh cũng làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh về tim mạch, thiếu máu…Đặc biệt, tình trạng hẹp động mạch có thể dẫn đến tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim hoặc các vấn đề về tim khác.

-  Hoại tử khớp và tàn phế: Nếu các hạt tophi bị vỡ sẽ dẫn đến viêm loét, nhiễm trùng, hoại tử phải tháo khớp.

-  Tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư: Đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt.

-  Một số biến chứng khác: Bệnh gút cũng làm tăng nguy cơ rối loạn cương dương, vận động khó khăn, làm hình thành các cục cứng ở khớp dẫn đến mất thẩm mỹ, dị ứng, tổn thương hệ tiêu hóa, trầm cảm,….

Bệnh gút có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào mức độ bệnh. Nếu phát hiện và kịp thời điều trị, bệnh gút có thể được kiểm soát và không gây biến chứng nguy hiểm.

Bệnh gút có nguy hiểm không?

Bệnh Gout gây lắng đọng acid uric dẫn đến hình thành hạt Tophi làm đau khớp chân 

Nguyên nhân gây bệnh gút là gì?

Bệnh gút hình thành khi cơ thể có nồng độ axit uric trong máu tăng cao. Acid uric tăng quá cao mà không thể đào thải ra ngoài được sẽ dần tích trữ trong các khớp dẫn đến đau nhức, phù khớp, viêm khớp. Đây là triệu chứng điển hình của bệnh gút.

Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút như:

-  Mắc bệnh tim mạch, thận,… khiến khả năng đào thải acid uric ra khỏi cơ thể kém.

- Thói quen ăn nhiều thực phẩm chứa purin, giàu đạm, nhất là lòng đỏ trứng gà, hải sản, nội tạng động vật,… gây tăng acid uric.

- Uống nhiều bia, rượu, café, hút thuốc lá,… khiến tình trạng bệnh gút nghiêm trọng hơn.

-  Lạm dụng các loại thuốc trị cao huyết áp, thuốc lợi tiểu làm tăng nồng độ acid uric trong máu.

-  Thừa cân, béo phì: Khi nồng độ chất béo trong cơ thể tăng cao sẽ dẫn đến lượng acid uric chuyển hóa chậm, đồng thời tăng nguy cơ viêm nhiễm do tế bào chất béo sản sinh ra cytokine gây viêm.

Bệnh gút có nguy hiểm không?

Các giai đoạn phát triển của bệnh gout

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh gút cao bao gồm:

-   Nam giới trong độ tuổi trung niên: Ước tính 80% bệnh nhân mắc gút là nam giới từ 40 tuổi trở lên. Đa số những người này có tiền sử lạm dụng rượu bia, thuốc lá, tiêu thụ nhiều đạm động vật,….

-  Phụ nữ mãn kinh: Khi bước vào độ tuổi mãn kinh, chị em có nguy cơ cao bị rối loạn nội tiết tố, đặc biệt là estrogen – loại hormone chính đảm nhiệm vai trò đào thải acid uric ra ngoài. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh gút chiếm rất ít so với nam giới.

-  Yếu tố di truyền: Những người có bố hoặc mẹ đã từng mắc bệnh gút sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn người bình thường.

Bệnh gút có chữa khỏi được không?

Hiện nay, Y học hiện đại vẫn chưa có cách chữa dứt điểm bệnh gút. Các loại thuốc điều trị chủ yếu giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh, giảm đau, sưng, khó chịu ở khớp. Tùy thuộc vào giai đoạn cấp tính hay mãn tính mà bác sĩ có thể kê đơn thuốc bao gồm:

-  Bệnh gút cấp tính: Đây là giai đoạn những tinh thể urat sắc nhọn cọ xát vào niêm mạc khớp dẫn đến đau và sưng đỏ. Đợt gút cấp tính thường hình thành sau khi người bệnh căng thẳng thần kinh, ăn nhiều chất đạm, uống bia rượu,…. Vì vậy, người bệnh cần sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau để kiểm soát nồng độ acid uric trong máu.

-  Bệnh gút mạn tính: Ở giai đoạn mãn tính, hạt tophi xuất hiện ở khớp, thận, mô và cơ. Người bệnh cần sử dụng thuốc để kiểm soát nồng độ acid uric máu đạt ngưỡng cho phép. Nồng độ này cần phải đạt dưới 360μmol/l (60mg/l) nếu chưa có hạt tophi và dưới 320 μmol/l (50mg/l) nếu đã có hạt tophi. Điều trị gút mãn tính bắt buộc phải duy trì trong thời gian dài.

Bệnh gút có nguy hiểm không?

Biến chứng phổ biến của bệnh gout 

Một số loại thuốc điều trị bao gồm:

-  Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và Indomethacin, Sulindac, naproxen giúp giảm cơn gút cấp tính, giảm đau và giảm viêm do acid uric gây nên. Tuy nhiên, các loại thuốc này làm tăng tác dụng phụ buồn nôn, tiêu chảy, viêm loét dạ dày, ảnh hưởng đến chức năng gan, thận và tim mạch nếu sử dụng trong thời gian dài.

- Thuốc colchicine (thuốc chống viêm uống theo toa) thường được kê trong điều trị viêm khớp và bệnh gút. Loại thuốc này thường có hiệu quả trong vòng 36 giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng gút cấp tính.

-  Nhóm thuốc corticosteroid: Áp dụng cho những trường hợp đã sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và colchicine không hiệu quả. Loại thuốc này sử dụng theo đường uống trực tiếp hoặc tiêm tĩnh mạch để giảm cơn đau gút cấp tính. Nhóm thuốc này bắt buộc phải dùng theo đơn của bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài ra, một số nhóm thuốc điều trị giảm acid uric máu bao gồm:

- Allopurinol: Mặc dù giúp giảm acid uric trong máu nhưng có thể gây tác dụng phụ ngoài ý muốn như: Tổn thương da, sốt, nôn, đau đầu,…. Trước khi dùng thuốc cần phải làm xét nghiệm loại trừ dị ứng để tránh phản ứng nguy hiểm.  

- Nhóm thuốc tăng thải acid uric: Bao gồm probenecid, lesinurad… giúp đào thải acid uric qua thận. Tuy nhiên, sử dụng thuốc cần cẩn trọng với nguy cơ sỏi thận.

Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị gút:

-   Thuốc Tây điều trị gút thường tiềm ẩn tác dụng phụ ngoài ý muốn. Vì vậy, người bệnh cần phải trao đổi và lắng nghe ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc.

-  Trường hợp gút giới hạn trong 1 hoặc 2 khớp và cơn đau nhẹ, người bệnh chỉ cần sử dụng 1 trong các loại thuốc trên. Tuy nhiên nếu cơn đau nghiêm trọng cần phải kết hợp nhiều loại thuốc điều trị.

Điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống để trị bệnh gút

Dưới đây là một số bí quyết sống lành mạnh giúp đẩy lùi bệnh gút:

-  Tránh các thực phẩm chứa nhiều purin như: Nội tạng động vật, thịt đỏ, cá, tôm,….

-   Tránh bổ sung nhiều đạm, không ăn nhiều thịt, hải sản, thịt bò, thịt chó,….

-  Kiêng uống rượu, bia, cafein, đồ uống có cồn,….

-  Tăng ăn nhiều hoa quả, rau xanh.

-  Không ăn quá 150g trứng và thịt một ngày.

-  Tập thể dục thể thao nhẹ nhàng, thường xuyên.

-  Uống đủ nước để cơ thể đào thải acid uric tốt hơn.

-  Giảm cân nếu đang thừa cân, béo phì.

Bài viết đã giúp bạn trả lời câu hỏi “Bệnh gút có nguy hiểm không?”. Thực tế, bệnh gút có thể tiến triển gây ảnh hưởng đến thận, tim mạch, tàn phế khớp nhưng lại chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, người bệnh nên kết hợp sử dụng thuốc và thay đổi lối sống, chế độ ăn uống để lượng acid uric trong máu luôn ổn định. Ngoài ra, điều trị gút bắt buộc phải kiên trì, lâu dài nên hãy tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa. 

ĐĂNG KÝ GẶP DƯỢC SỸ
Bài đọc nhiều nhất